Đại tá quân đội Mỹ làm lộ bí mật cho bạn gái Trung Quốc

Benjamin Pierce Bishop, cựu đại tá quân đội và hiện đang công tác tại Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ tại Hawaii, đã phải ra hầu tòa hôm 18/3 sau khi bị phát hiện để lộ nhiều bí mật quân sự cho bạn gái người Trung Quốc.
Ông Bishop đã mắc mỹ nhân kế?

Ông Bishop, 59 tuổi, hiện làm việc cho một nhà thầu dân sự trong lĩnh vực tình báo của quân đội Mỹ tại đảo Hawaii, bị cáo buộc đã chuyển nhiều thông tin về các kế hoạch tác chiến cũng như vũ khí hạt nhân của Mỹ cho bạn gái 27 tuổi người Trung Quốc. 

Xuất hiện trước tòa hôm 18/3, vị sỹ quan quân đội Mỹ phải đối mặt với hai tội danh là chuyển bí mật quân sự quốc gia cho một người không được phép tiếp nhận và sở hữu một cách trái phép các tài liệu và kế hoạch phòng thủ quốc gia. Trước đó, hôm 15/3, ông Bishop bị bắt tại tổng hành dinh của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ tại Trại H.M. Smith ở Hawaii.

Theo hồ sơ vụ án, Bishop đã cung cấp các thông tin cho người phụ nữ 27 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, sau khi gặp người này tại một hội thảo về các vấn đề phòng thủ quốc tế tại đảo Hawaii. Cơ quan chức năng không tiết lộ hội thảo trên diễn ra vào thời điểm nào nhưng cho biết cô gái khi đó đến Mỹ theo diện sinh viên du học. Danh tính và nơi ở của cô gái này vẫn được giữ kín.

Cơ quan điều tra cho biết Bishop đã để lộ thông tin trong một bức thư điện tử hồi tháng 5 năm ngoái và sau đó là trong một cuộc điện thoại vào tháng 9. Ông đã cho người phụ nữ biết việc triển khai các hệ thống hạt nhân chiến lược của Mỹ cũng như khả năng nước này phát hiện các tên lửa liên lục địa tầm ngắn và tầm trung của các quốc gia khác.

Thời điểm Bishop bắt đầu mối quan hệ lãng mạn với cô gái Trung Quốc được xác định vào khoảng tháng 6/2011. Khi đó cô gái này tới Mỹ theo visa J-1, dành cho người làm việc và học tập theo các chương trình trao đổi giữa hai nước. 

Ngoài ra Bishop còn bị cáo buộc đã che giấu mối quan hệ trên với chính phủ cho dù vị trí công tác và quy trình kiểm tra an ninh có quy định ông phải báo cáo các mối liên hệ với người nước ngoài.

Hồ sơ của tòa án cho biết, trong đợt khám nhà của Bishop tại ngoại ô đảo Honolulu hồi tháng 11 năm ngoái, cơ quan điều tra đã tìm thấy 12 tài liệu có đóng dấu "mật" mặc dù ông không thuộc diện được phép mang các hồ sơ mật về nhà. 

Tài liệu điều tra cũng cho thấy cô "bạn gái" của Bishop hồi tháng trước đã hỏi ông rằng các quốc gia phương Tây biết gì về "hoạt động của một tài sản hải quân cụ thể của Trung Quốc". Cho dù chủ đề này không nằm trong công việc hàng ngày của Bishop, ông đã tìm hiểu về vấn đề này thông qua các nguồn tin thông thường và cũng bị nhìn thấy thu thập và rà soát các tài liệu mật về chủ đề trên. 

Luật sư của Bishop cho biết ông là một đại tá quân nhân dự bị của quân đội Mỹ. "Đại tá Bishop đã làm việc cho đất nước 29 năm. Ông ấy sẽ không bao giờ làm gì gây tổn hại tới nước Mỹ", luật sư nói.

Nếu bị kết tội, mức án tối đa Bishop phải nhận là 20 năm tù.

Thanh Tùng
Theo AP

 

Trung Quốc sắp tập trận ở Biển Đông


Một biên đội gồm 4 tàu chiến của hải quân Trung Quốc sẽ diễn tập trên Biển Đông và tây Thái Bình dương, sau khi rời căn cứ trên đảo Hải Nam hôm qua.

tầu trung quốc tập trận trên biển đông
Tàu đổ bộ Tĩnh Cương Sơn của quân đội Trung Quốc. Ảnh: Chinamil
Bốn con tàu của hải quân Quân đội Trung Quốc (PLA) - Tĩnh Cương Sơn, Lan Châu, Ngọc Lâm và Hằng Thủy; bốn trực thăng sẽ tham gia cuộc diễn tập, ông Jiang Weilie, tư lệnh hạm đội Nam Hải của Trung Quốc cho biết.
Biên đội này sẽ diễn tập chỉ huy và tác chiến ở vùng biển và đại dương theo đội hình.
"Các bài diễn tập sẽ được thực hiện theo yêu cầu của thực tế chiến đấu, với mục tiêu tăng năng lực phòng vệ của hải quân dựa trên hệ thống thông tin; tăng khả năng bảo vệ các quyền hàng hải", tờ China Daily hôm qua dẫn lời ông Jiang.
Cuộc diễn tập này được cho là nằm trong kế hoạch huấn luyện thường niên. Hải quân PLA từng có hoạt động tương tự năm 2012.
Tĩnh Cương Sơn là con tàu đổ bộ hiện đại nhất và có tải trọng lớn nhất của Trung Quốc, dài 210 m và rộng 28 m, trọng tải là 19.000 tấn.
Tàu Lan Châu và Hằng Thủy từng tham gia các chiến dịch bảo đảm an ninh ở vùng vịnh Aden chống cướp biển Somalia. Hằng Thủy thuộc loại tàu hộ vệ mới được đưa vào sử dụng trong hải quân Trung Quốc.
Các hoạt động quân sự, đặc biệt là hải quân, của Trung Quốc luôn thu hút sự chú ý của các nước láng giềng, bởi Trung Quốc đang có các tranh chấp chủ quyền ở các vùng Biển Đông và Hoa Đông.

Các tầu của Trung Quốc dự kiến tham gia cuộc tập trận:

Tàu đổ bộ Tĩnh Cương Sơn. Ảnh: Chinamil
Khu trục hạm tên lửa Lan Châu. Ảnh: Xinhua
Tàu khu trục cỡ nhỏ Ngọc Lâm. Ảnh: Wikipedia
Khu trục hạm cỡ nhỏ Hằng Thủy. Ảnh: QQ
Ánh Dương
 

Trung Quốc xua đuổi tầu cá Việt Nam

Biển Việt blog: Đại diện Ủy ban Biên giới Quốc gia hôm nay mạnh mẽ phản đối việc tàu hải giám Trung Quốc xua đuổi tàu cá Việt Nam và đưa tàu khảo sát nghề cá đến xâm phạm lãnh hải của Việt Nam trên Biển Đông.
Truong Sa Viet nam
Bia chủ quyền trên đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Biengioilanhtho.gov.vn.

Thời gian gần đây, Trung Quốc tiến hành một loạt các hoạt động tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trong đó có việc phê duyệt thành lập đài phát thanh và truyền hình của cái gọi là "thành phố Tam Sa" và đài truyền hình vệ tinh "Tam Sa"; cử Biên đội tàu Hải giám 83 cùng trực thăng Hải giám B-7103 và các tàu Hải giám 262 và 263 tiến hành tuần tra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, xua đuổi tàu cá Việt Nam (số hiệu QNg96417TS và QNg96382TS) đang hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp tại khu vực này.

Mới đây nhất, Trung Quốc cử tàu khảo sát khoa học nghề cá "Nam Phong" đến tiến hành điều tra tài nguyên nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trước những sự việc trên, ngày 19/3/2013, Bộ Ngoại giao một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo kể trên.

"Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các hoạt động nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam", thông cáo hôm nay của Bộ Ngoại giao dẫn lời đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia cho hay.

"Việt Nam một lần nữa bác bỏ cái gọi là 'thành phố Tam Sa' và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không có hành động cản trở hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp của các tàu cá và ngư dân Việt Nam", thông cáo viết.

Tàu "Nam Phong" là tàu khảo sát khoa học nghề cá có trọng tải lớn nhất của Trung Quốc vừa đến vùng biển Trường Sa của Việt Nam để thực hiện cái gọi là "điều tra tài nguyên nghề cá".

Tàu này do Trung Quốc tự chế tạo, được trang bị các thiết bị tiên tiến như hệ thống định vị dưới nước, có thể lặn sâu tới 1.500 mét để thăm dò đáy biển và thông tin chi tiết về đàn cá như số lượng, chủng loại, kích cỡ. Theo truyền thông Trung Quốc, sự hiện hiện của tàu khảo sát "Nam Phong" đánh dấu việc Trung Quốc đã khởi động đợt điều tra mới về tài nguyên nghề cá ở vùng biển Trường Sa trên Biển Đông.

Vũ Hà - VNE
Biển Việt blog sưu tầm

 
 
Nguồn tin : Vietnamnet; Dantri; Thanhnien; Tuoitre; VnExpress; Daidoanket; Tuanvietnam...
Copyright © 2011. Biển Việt - All Rights Reserved
Trung tâm thông tin - dữ liệu Biển Đông
Biển Việt Blog xây dựng dưới dạng một blog cá nhân